Tự động hóa - Xu thế trong các nhà máy sản xuất

Ngày đăng: 11:45 - 22/09/2020
Lượt xem: 472

Tự động hóa có lợi ích gì?

Tự động hóa công nghiệp là việc sử dụng các hệ thống điều khiển, ví dụ máy tính hay rô-bốt, cùng với công nghệ thông tin để xử lý các quy trình và hoạt động máy móc trong sản xuất. Thông thường, từ trước đến nay, các công việc này vẫn do con người làm thủ công. Nó chính là bước thứ hai sau phần cơ giới hóa trong quá trình hiện đại hóa công nghiệp.

Trong thời gian đầu, mục tiêu nhắm tới của tự động hóa là để tăng năng suất (máy móc có thể hoạt động liên tục 24/24) và cắt giảm chi phí nhân sự. Tuy nhiên, hiện nay điểm nhấn của tự động hóa đã dần chuyển sang việc tăng cường chất lượng và thích ứng với các yêu cầu trong quy trình sản xuất. Ngày nay, việc tự động hóa công việc đã được sử dụng khá rộng rãi, trong nhiều lĩnh vực sản xuất, nhất là ở những nước công nghiệp ở vùng Bắc Mỹ, châu Âu hoặc Nhật.

Những lợi ích chính mang lại từ tự động hóa công nghiệp bao gồm:

  • Tăng năng suất: Cho dù các công ty có thể tuyển dụng nhân công đầy đủ để nhà máy hoạt động trong cả 3 ca làm việc, nhà máy vẫn sẽ phải ngừng hoạt động trong thời gian bảo trì và các kỳ nghỉ. Với Tự động hóa công nghiệp, nhà máy có thể chạy 24/24, 7/7 trong suốt 365 ngày, điều này sẽ làm tăng đáng kể năng suất sản xuất trong các công ty.
  • Cải tiến chất lượng: Tự động hóa làm giảm thiểu đáng kể các sai sót liên quan đến con người. Khác với những công nhân, rô-bốt không biết đến mệt, điều đó đưa đến độ đồng đều trong chất lượng sản xuất ở bất kỳ thời điểm nào.
  • Độ tùy biến cao: Việc thay đổi quy trình sản xuất, nhất là khi thêm các công đoạn mới, thường rất phức tạp, do công việc này phải đi kèm với các hoạt động đào tạo công nhân cũng như thay đổi quản lý. Đối với rô-bốt, chương trình sẽ đảm bảo khả năng làm tất cả các công việc được giao. Điều này sẽ làm tăng độ tùy biến trong sản xuất
  • Thông tin thu thập được có độ chính xác cao: Việc thu thập thông tin tự động có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc lấy được thông tin quan trọng từ sản xuất, tăng độ chính xác của dữ liệu và cắt giảm chi phí thu thập dữ liệu. Các doanh nghiệp áp dụng tốt tính năng này có thể tạo ra những bước đột phá trong kinh doanh, nhờ khả năng đưa ra được các quyết định đúng vào thời điểm cần thiết, cũng như khả năng cắt giảm lãng phí và tối ưu hóa quy trình
  • An toàn lao động: Với các môi trường sản xuất khắc nghiệt, việc triển khai các dây chuyền tự động sẽ đảm bảo an toàn cho con người.

Tự động hóa công nghiệp với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Tuy nhiên, với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ và rộng rãi của các hệ thống Industrial Internet of Thing hay Internet vạn vật công nghiệp, khả năng kết nối thông minh cũng như khả năng xử lý ngoại vi của các thiết bị điều khiển đang được đẩy mạnh nhanh chóng. Các hệ thống tự động tưởng như không khả thi hoặc có giá trị đầu tư ban đầu rất lớn đang trở thành hiện thực và với chi phí rất vừa phải. Các hệ thống tự động hiện nay không chỉ có khả năng phản ứng trước các sự kiện mà còn có một số khả năng dự đoán sự kiện trước khi nó xảy ra.

Kết luận

Với sự phát triển của Internet vạn vật và CMCN 4.0, ngành tự động hóa công nghiệp đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Đi cùng với những cơ hội kinh doanh mới cũng là những thách thức mới, trong đó, đề tài an ninh mạng và dữ liệu đang và sẽ còn là vấn đề lớn cần được đáp ứng một cách triệt để trong thời gian tới.

 
Các bài viết khác
Tra cứu điểm thi học phần
Hotline: 0981 725 836 Đăng ký xét tuyển